Theo chuyên gia phân tích, việc giá gạo xuất khẩu tăng quá đà có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tìm kiếm các hợp đồng thương mại.
ảnh minh họa
Ngành xuất khẩu gạo khởi sắc ngay từ đầu năm 2018, với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, khi Việt Nam liên tiếp trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia, Philippines vào cuối năm 2017, điều này có thể đẩy doanh nghiệp vào thế chạy đua để mua gạo trong nước. Xuất khẩu gạo tăng, giá xuất tăng, vậy những tín hiệu thị trường nào sẽ dẫn dắt ngành hàng này? Đây là câu hỏi được bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 15/6.
về chủ đề này, ông Nguyễn Đình Bích – Chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam cho rằng, "sốt nóng" giá gạo sẽ sớm xảy ra. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 1,6 tỷ USD, tăng hơn 51% giá trị và 20 % về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng này, thị trường gạo đang nóng lên.
"Nhu cầu của thị trường xuất khẩu gạo đang tăng lên. Điều cần quan tâm hơn là cùng với khối lượng tăng thì giá có tăng nóng hay không. Điều đó mới quan trọng với những nước xuất khẩu như Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê thì giá gạo thế giới chỉ nhích lên. Trong đó, giá xuất khẩu của Việt Nam là tăng mạnh nhất, giá của Thái Lan có nhích lên nhưng mức tăng không nhiều", ông Nguyễn Đình Bích cho biết.
"Một điều cần lưu ý là số lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2018 thì Ấn Độ xuất khẩu 4,4 triệu tấn trong khi Việt Nam là 2,2 triệu tấn… Rõ ràng, tại đây thì giá cả là vấn đề trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam".
"Khi giá xuất khẩu gạo tăng thì giá lúa gạo trong nước cũng tăng lên và ngược lại, tuy nhiên dường như giá lúa gạo trong nước đang tăng quá đà và các doanh nghiệp sẽ gặp khó. Trong những tháng tới, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong tìm kiếm các hợp đồng thương mại", ông Nguyễn Đình Bích phân tích thêm.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.