Đến Shark Tank Việt Nam, bà chủ của thương hiệu bún Nguyễn Bính gọi vốn 8 triệu USD với tham vọng "bá chủ thế giới" nhưng đã vỡ mộng vì hiểu sai giá trị thương hiệu.
Tập 4 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ đã diễn ra với ba màn thương thuyết nảy lửa, kịch tính giữa các nhà đầu tư và startup. Bắt đầu từ tuần này, chương trình có sự tham gia của Shark khách mời, ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông (INTRACOM).
Thương vụ gây bất ngờ nhất Shark Tank Việt Nam tập 4 chính là lời kêu gọi vốn kỷ lục 8 triệu USD đến từ bà chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính - công ty chuyên cung cấp các sản phẩm bún tươi và bánh phở sạch không chất bảo quản tại TP.HCM. Mức định giá cao kỷ lục này ngay lập tức khiến các "cá mập" choáng váng.
Nhà sáng lập Nguyễn Bính cho biết, bà bén duyên với ngành bún vì những trăn trở về sự mai một của ngành nghề truyền thống Việt và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm hóa chất độc hại. Bà tự tin đã là người đi đầu trong công nghiệp hóa ngành làm bún truyền thống.
Các Shark ăn thử sản phẩm của Bún Nguyễn Bính.
Shark Phú nhận xét việc kêu gọi gần 200 tỷ đồng cho 20% tức startup đang định giá công ty lên đến 1000 tỷ đồng là vô cùng phi lý. Tuy vậy, chủ nhân Bún Nguyễn Bính lại cho rằng việc này hoàn toàn bình thường, bởi thương hiệu Bún Nguyễn Bính đang đứng đầu quốc gia và giá trị thương hiệu của startup này là "vô hình".
Trước lượng thông tin "nhỏ giọt" này, Shark Hưng nhanh chóng "xin phép" không thể đầu tư vì cho rằng không có căn cứ nào chứng minh Bún Nguyễn Bính có thể chiếm 50% thị phần tại TP.HCM.
Trước sự ngộ nhận càng làm lớn thì càng có lãi cao, Shark Phú cho biết: "Thông thường, bọn tôi làm sản xuất ngành thực phẩm chỉ được phép cộng hết tất cả khấu hao lẫn tiền lương, giá vốn chỉ được chiếm độ khoản 40% là cùng. Riêng tiền gạo chị đã chiếm 50% rồi, chưa tính tiền nhân công, điện, nước, nhà xưởng… như vậy khi chị làm lớn không phải có lãi cao. Bây giờ chị đang hạch toán chưa đầy đủ nên chị thấy rằng có lãi thôi" - Chủ tịch Sunhouse cho hay.
Trước lý lẽ chặt chẽ đến từ nhà đầu tư, Nguyễn Bính thừa nhận công ty của mình trước giờ chỉ kinh doanh dưới dạng gia đình, không có hệ thống quản lý, chưa tổng hợp tổng lượng hàng hóa sản xuất ra mỗi ngày. Tuy nhiên, bà chủ Bún Nguyễn Bính cũng từ chối lời đề nghị cho vay để xây dựng nhà xưởng của Shark Phú, nhà sáng lập cho rằng bà tự làm trên đất của mình sẽ tốt hơn.
Mặc dù rất nể phục trước quyết tâm và tham vọng đưa ngành bún truyền thống của Việt Nam tiến tới "bá chủ thế giới" của bà chủ Bún Nguyễn Bính nhưng Shark Việt cũng đành rút lui. Shark Dzung từ chối đầu tư, mặc dù "cá mập công nghệ" chia sẻ anh rất thích ăn bún.
Khác với các Shark còn lại, Shark Linh chia sẻ lý do không đầu tư đến từ yếu tố con người. Nữ cá mập nhận thấy phong cách của bà chủ Bún Nguyễn Bính sẽ rất khó hợp tác với các nhà đầu tư.
Thương vụ Bún Nguyễn Bính khép lại với 5 cái lắc đầu từ các "cá mập". Đây cũng là bài học đắt giá cho các startup khác. Để thuyết phục các nhà đầu tư, trước hết cần đưa ra một mức định giá có khoa học và có căn cứ, tiếp theo là các số liệu tài chính minh bạch rõ ràng. Thương vụ sẽ khó lòng thành công nếu startup chọn nhấn mạnh vào những "giá trị vô hình" mà thiếu đi các số liệu và dữ kiện thực tế.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.